Quản trị hiệu quả công việc toàn diện vừa là khoa học và nghệ thuật. Nó đòi hỏi các nhà quản trị cần phải hiểu đúng và đủ về công tác quản trị, linh hoạt điều chỉnh và thích ứng các mô hình phù hợp.
Thập niên 2000 của thế kỷ này đã chứng kiến nhiều sự thay đổi, nhiều xu hướng và sự phát triển mới cơ bản đã định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Có thể điểm qua các tác nhân quan trọng như: toàn cầu hóa, tác động của công nghệ mới đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông, sự trổi dậy mạnh mẽ của thị trường châu Á đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, khoảng cách càng ngày càng xa giữa giàu và nghèo, sự nóng lên của môi trường trái đất, sự lão hóa dân số ở các nước phát triển, sự thiếu hụt về lương thực thực phẩm và nước uống, thách thức lãnh đạo trong nền văn hóa đa sắc tộc… và gần đây nhất là khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Mô hình kiểm soát hiệu quả công việc
Những nhà quản trị doanh nghiệp đang phải làm việc dưới một áp lực rất nặng nề nhằm chèo lái con thuyền doanh nghiệp đạt được mục tiêu dài hạn để thích nghi với những sự thay đổi. Họ cần phải đa năng, năng động và thích ứng nhanh hơn. Làm thế nào để các nhà quản trị doanh nghiệp có thể lãnh đạo, điều phối và thống nhất các công việc của doanh nghiệp một cách đạt hiệu quả và hiệu suất cao nhất với con người và thông qua con người trong thập niên 2000 và tương lai?
Trước hết hãy cùng tìm hiểu xem quản trị hiệu quả công việc toàn diện là gì? Quản trị hiệu quả công việc toàn diện là một quy trình trong đó việc lãnh đạo, định hướng và quản lý tổ chức được thực hiện thông qua việc định rõ một cách có hệ thống tầm nhìn, sứ mạng, giá trị, chiến lược, mục tiêu của tổ chức, xác định các nhân tố thành công quyết định và các chỉ số hiệu quả công việc, nhằm đưa ra những hành động sửa chữa kịp thời để tổ chức hoàn thiện và phát triển theo đúng định hướng”.
Như vậy, quản trị hiệu quả công việc toàn diện mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, ví dụ như: giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, là tác nhân giúp phát triển văn hóa định hướng hiệu quả công việc, gia tăng động cơ và cam kết của nhân viên, giúp nhân viên phát huy năng lực cá nhân, gia tăng sự hài lòng và cống hiến cho tổ chức…
Thực tế cho thấy, không ít các doanh nghiệp tại Việt Nam lúng túng trong công tác hoạch định chỉ tiêu, tổ chức thực hiện hay đo lường hiệu quả công việc. Không ít công ty chỉ đơn thuần đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh và nhân viên chỉ thông qua doanh số/ lợi nhuận hoặc theo cảm tính; một số khác mô phỏng mô hình quản trị của các công ty đa quốc gia vì cho rằng đó là mô hình chuẩn của quốc tế nhưng đã không đạt được kết quả như ý.
Mô hình quản trị hiệu quả công việc toàn diện gồm 3 giai đoạn:
•Giai đoạn 1: Thiết kế mô hình quản trị hiệu quả công việc toàn diện bao gồm việc thiết lập cấu trúc trách nhiệm nhất quán, xác định các viễn cảnh, định rõ tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược và mục tiêu của tổ chức và hoạc định chiến lược.
•Giai đoạn 2: Thiết kế mô hình kiểm soát hiệu quả công việc bao gồm: phát triển các nhân số thành công quyết định, chỉ số hiệu quả công việc; phát triển các dạng báo cáo hiệu quả công việc, phát triển bảng chấm điểm cân đối, thiết lập hệ thống kiến trúc công nghệ thông tin quản lý và thiết lập các quy trình then chốt.
•Giai đoạn 3: Thiết kế mô hình hành vi thúc đẩy hiệu quả công việc toàn diện bao gồm: thiết lập hệ thống hành vi thúc đẩy, thống nhất mục tiêu cá nhân với mục tiêu chiến lược, kết nối quản trị hiệu quả công việc với quản trị năng lực.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trước những thách thức về kinh tế, tài chính dẫn đến các doanh nghiệp thường tập trung nhiều vào các chỉ số tài chính mà ít quan tâm đến các chỉ số về khách hàng (customer), chỉ số về quy trình (processes), chỉ số về học tập và phát triển (learning and growth). Ngày nay với sự hỗ trợ của cơng nghệ, các giám đốc hoàn toàn có thể điều khiển và quản lý doanh nghiệp hiệu quả qua mạng. Nếu công ty có hệ thống quản trị hiệu quả, các thông số sẽ được cập nhật hằng ngày với thời gian thực từ đó các giám đốc có thể ra quyết định nhanh và thích nghi kịp thời với thị trường.
Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình quản trị với cơ cấu tổ chức phẳng (flat organization structure) như vậy đòi hỏi các giám đốc phải xây dựng bộ khung quản trị thật gọn nhẹ với những tiêu chí về CSF (chỉ số thành công quyết định) và KPI (chỉ số thành tích then chốt) được lựa chọn hợp lý, đo những gì cần đo chứ không xây dựng hệ thống ôm đồm gây cản trở cho sự phát triển.
Quản trị hiệu quả công việc toàn diện vừa là khoa học và nghệ thuật. Nó đòi hỏi các nhà quản trị cần phải hiểu đúng và đủ về công tác quản trị hiệu quả công việc toàn diện, có kiến thức về các mô hình, các xu hướng, các công cụ quản trị, đo lường, đánh giá và có kinh nghiệm ứng dụng thực tiễn. Ngoài ra, nhà quản trị cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh và thích ứng các mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp mình. Sao chép hoặc bắt chước toàn bộ mô hình quốc tế của các công ty đa quốc gia để áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam mà thiếu sự xem xét cẩn thận là không hiệu quả đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện tại khi mà ngay cả các tập đoàn đa quốc gia cũng đang lúng túng trong việc quản trị.
Theo MBA Nguyễn Đăng Phùng
Phó Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Global Elite Consulting Corporation
NCĐT
No comments:
Post a Comment